Giỏ hàng
Kiến thức y học cập nhật: Những điều chưa biết về chứng đầy hơi

Tin quốc tếNgày: 10-01-2022 bởi: Tiến sĩ. Bác sĩ Cao cấp Lê Mạnh Cường

Kiến thức y học cập nhật: Những điều chưa biết về chứng đầy hơi

Việc xì hơi (gas) là hết sức bình thường. Khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, hơi (gas) được tạo ra, và chúng sẽ được thoát ra ngoài cơ thể khoảng 14-23 lần một ngày - dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng nếu khí gas này không được thoát ra, chúng có thể gây đầy bụng, khó chịu.

  1. Hơi (gas) tạo ra như thế nào

Hơi bên trong bạn tích tụ theo hai cách. Cách thứ nhất, chính là không khí mà bạn nuốt vào cùng với thức ăn của mình. Hầu hết lượng khí sẽ biến mất khi bạn ợ hơi, nhưng một ít sẽ đi vào trong cơ thể. Cách thứ 2: Ruột già tạo ra phần hơi khi nó phân hủy thức ăn của. Hơi này sẽ được đào thải bằng cách xì hơi (trung tiện)

  1. Không lối thoát

Đôi khi, bạn tạo ra nhiều hơi hơn mức bạn có thể xử lý hoặc một số bị mắc kẹt bên trong cơ thể. Khi điều đó xảy ra, cơ thể bạn sẽ cho bạn biết. Bạn có thể bị đau, đau bụng quặn hoặc cảm giác thắt chặt ở bụng. Hoặc bạn có thể có cảm giác đầy bụng, đặc biệt là ở phần trên của bụng.

  1. Thói quen xấu gây đầy hơi

Không có cách nào để ăn mà không nuốt không khí. Nhưng một số thói quen có thể khiến điều đó trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn ăn nhanh hoặc nói chuyện trong khi ăn, bạn sẽ nuốt thêm không khí vào. Bạn cũng hút nhiều không khí hơn nếu uống qua ống hút, nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo cứng giữa các bữa ăn. Vẫn có nhiều không khí lọt vào nếu bạn hút thuốc. Những chiếc răng giả không vừa khít cũng tạo ra nhiều không khí hơn.

  1. Một số loại thức ăn dễ gây đầy hơi

Có thể bạn đã biết về nhiều loại thực phẩm tạo ra nhiều hơi hơn những thực phẩm khác, chẳng hạn như đậu, bông cải xanh và hành tây. Nhưng các loại trái cây như táo, đào và lê cũng vậy. Cám, lúa mì nguyên cám và một số sản phẩm từ sữa (pho mát, kem và sữa chua) cũng có thể gây ra điều đó.

Vì mỗi người trong chúng ta phản ứng với thức ăn theo cách riêng của chúng ta, nên hãy thử từng thứ một và xem cơ thể phản ứng như thế nào nhé.

  1. Các đồ uống dễ gây đầy hơi

Các bong bóng nhỏ từ đồ uống có ga và bia sẽ giải phóng không khí bên trong cơ thể. Sữa, nước táo và nước lê cũng có thể gây đầy hơi. Các thức uống trái cây khác cũng có thể gây ra điều tương tự. Nếu bạn thích uống bất kỳ thứ nào trong số này, hãy làm thử nghiệm tương tự như với thức ăn (thử từng thứ một xem cơ thể phản ứng như thế nào).

  1. Kẹo cao su và chất làm ngọt nhân tạo

Nhai kẹo cao su hoặc kẹo làm bằng chất làm ngọt nhân tạo có thể dẫn đến đầy hơi. Vì vậy, hãy kiểm tra nhãn hãng để phát hiện sorbitol, mannitol hoặc xylitol mà bạn có thể muốn hạn chế hoặc tránh. Đồ uống được làm ngọt bằng xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao có thể là một nguồn gây đầy hơi khác.

  1. Giải pháp thiên nhiên

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống và các thói quen, bạn có thể nhận được sự trợ giúp từ các biện pháp tự nhiên. Hãy thử uống trà bạc hà. Ngoài ra còn có các chất bổ sung chế độ ăn uống được làm từ cây hồi, caraway, rau mùi, thì là và nghệ. Như với bất kỳ chất bổ sung nào, hãy tham vấn bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào cần theo dõi.

  1. Giải pháp thuốc không kê đơn

Thuốc kháng axit có chứa simethicone giải phóng bong bóng khí trong dạ dày của bạn, để bạn dễ dàng ợ hơi hơn. Viên than hoạt tính có thể giúp ích rất nhiều trong việc xử lý đầy hơi. 

  1. Không dung nạp Lactose

Nếu bạn mắc chứng không dung nạp lactose, cơ thể bạn không thể phân hủy đường trong sữa (lactose) và gây đầy hơi. Các loại thuốc không kê đơn có thể hữu ích nếu bạn thêm một vài giọt vào sữa bạn dùng hoặc nhai một viên thuốc ngay trước giờ ăn, chúng sẽ cung cấp hóa chất mà bạn cần để khắc phục chứng đầy hơi. Hoặc bạn có thể chọn các sản phẩm không chứa lactose hoặc không có sữa.

  1. Bệnh celiac

Nếu bạn bị đầy hơi từ thực phẩm bao gồm lúa mì hoặc một số loại ngũ cốc khác, bác sĩ có thể kiểm tra để tìm bệnh celiac. Trong trường hợp này, cơ thể bạn không thể xử lý gluten, một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Bạn sẽ cần thực hiện chế độ ăn không có gluten nếu mắc bệnh celiac.

  1. Khi nào cần thăm khám y tế?

Nếu cơn đau của bạn dữ dội hoặc xảy ra thường xuyên đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy đến cơ sở y tế - đặc biệt nếu bạn cũng có các triệu chứng khác như giảm cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn hoặc nôn thường xuyên, có máu trong phân, tiêu chảy và các vấn đề hoặc thay đổi khi đại tiện.