Giỏ hàng
Viêm loét đại tràng mạn tính - Căn bệnh khiến cựu Thủ tướng Abe Shinzo khổ sở nhiều năm

Tin quốc tếNgày: 21-09-2020 bởi: Tiến sĩ. Bác sĩ Cao cấp Lê Mạnh Cường

Viêm loét đại tràng mạn tính - Căn bệnh khiến cựu Thủ tướng Abe Shinzo khổ sở nhiều năm

Sáng 16/9, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, 65 tuổi đã chính thức từ chức, bắt nguồn từ lý do sức khoẻ không đảm bảo do căn bệnh viêm loét đại tràng mạn tính.

Trên thế giới hiện có khoảng 11 triệu người mắc viêm loét đại tràng, bệnh có xu hướng gia tăng ở châu Á. Tại Nhật Bản, ước tính có 160.000 – 220.000 người mắc bệnh, phần lớn ở độ tuổi 20-30.

Các nghiên cứu đã chứng minh, viêm loét đại tràng kéo dài không được chữa trị triệt để có thể đe doạ tính mạng. Đây cũng là căn nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng, căn bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến thứ 2 sau ung thư dạ dày.

Căn bệnh khiến cựu Thủ tướng Abe Shinzo khổ sở nhiều năm

Sức khoẻ cựu Thủ tướng Abe Shinzo không tốt do căn bệnh viêm loét đại tràng tái phát

Một số nghiên cứu cho thấy, có từ 3-20% trường hợp mắc viêm loét đại tràng mạn tính có thể tiến triển thành ung thư đại tràng. Hiện nay, ung thư đại tràng đang có xu hướng trẻ hoá. Trong khi đó tiên lượng điều trị ung thư ở bệnh nhân trẻ kém hơn nhiều so với bệnh nhân lớn tuổi.

Tổn thương viêm loét của đại tràng thường ở manh tràng và đại tràng xích ma, do đây là đoạn ruột gấp khúc gây cản trở về sinh lý, phân bị ứ trệ lâu ngày dễ gây viêm loét niêm mạc mãn tính.

Đây là căn bệnh tiến triển âm thầm và có thể bùng phát đột ngột không báo trước. Cựu Thủ tướng Abe chia sẻ, ngay từ thời trung học, ông luôn ám ảnh kinh hoàng mỗi lần đi vệ sinh khi thấy nhà vệ sinh ướt đẫm máu do đại tiện ra máu.

10 năm sau, khi là một nhân viên trẻ của tập toàn thép Kobe, ông mới chính thức được chẩn đoán mắc viêm loét đại tràng, phải dùng thuốc trường kỳ.

Năm 1996, ông tranh cử vào hạ viện lần thứ 2. “Trên đường vận động đi tranh cử, tôi liên tục buồn đi vệ sinh nhưng không thể dừng xe, vì vậy tôi phải cố gắng chịu đựng đến toát mồ hôi. Cảm giác đó như địa ngục”, ông nhớ lại.

2 năm sau, tình trạng bệnh của ông tiếp tục tồi tệ hơn khiến ông phải dùng thuốc theo đường truyền tĩnh mạch và sụt hơn 10kg, phải nằm viện 3 tháng. Sau đó, nhờ tìm được loại thuốc phù hợp, sức khoẻ ông dần ổn định trở lại để tiếp tục sự nghiệp chính trị.

Tuy nhiên trong 2 năm đầu nhiệm kỳ thủ tướng, được nhận định “mệt mỏi hơn chục lần” so với dự đoán đã khiến căn bệnh của ông thêm trầm trọng và gần như không thể kiểm soát. Năm 2007, ông xin từ chức chỉ sau 1 năm đắc cử.

Từ năm 2009, ông Abe bắt đầu dùng một loại thuốc có thể giúp bệnh nhân viêm loét đại tràng hồi phục gần như bình thường. Tuy nhiên từ tháng 6 vừa qua, bệnh tình của ông Abe lại trở nặng.

Hiện ông đang được điều trị bổ sung thêm một loại thuốc mới, bước đầu đã có hiệu quả nhưng việc điều trị vẫn cần thời gian dài.


Hiện nay, nguyên nhân của viêm loét đại tràng chưa rõ song TS Michael Cheung Ho – Yin, giám đốc trung tâm tiêu hoá và gan mật ở Hongkong cho rằng, các yếu liên quan đến sinh hoạt là một trong những căn nguyên. Trong đó phải kể đến lối sống chưa lành mạnh như ăn nhiều thịt đỏ, thức ăn nhanh, lười vận động, ăn ít chất xơ, căng thẳng.

“Căng thẳng làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, gây ra sự mất cân bằng, từ đó tạo ra các phản ứng bất thường trong hệ thống miễn dịch tấn công vào niêm mạc ruột”, TS Cheung giải thích.

Căn bệnh khiến cựu Thủ tướng Abe Shinzo khổ sở nhiều năm

Hình ảnh viêm loét, xuất huyết trong lòng đại tràng 

Ông nói thêm, viêm loét đại tràng đôi khi có thể dẫn đến thủng đại tràng, gây suy nhược cơ thể, đe doạ tính mạng.

Dù chưa thể chữa khỏi nhưng bệnh nhân viêm loét đại tràng có thể dùng thuốc chống viêm, thuốc điều chỉnh hệ thống miễn dịch để kiểm soát bệnh, đồng thời phải định kỳ nội soi để phát hiện sớm các tổn thương ung thư nếu có.

Một số trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng, thậm chí cắt toàn bộ đại tràng. Khi đó, bệnh nhân phải dùng hậu môn nhân tạo.

TS Cheung khuyến cáo, ngay khi người dân thấy các dấu hiệu tiêu hoá bất thường như tiêu chảy, đi ngoài ra máu kéo dài 4-6 tuần, sụt cân, mệt mỏi, đau bụng… cần phải đi nội soi đại tràng để kiểm tra.

Hiện tại, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đề xuất độ tuổi nội soi đại tràng định kỳ từ 45 tuổi thay vì 50 tuổi như trước đây. Tuy hiên TS Cheung khuyến cáo người dân nên bắt đầu tầm soát định kỳ từ tuổi 40.

Ông cũng khuyến cáo người dân nên thay đổi lối sống, ăn uống cân bằng, tăng cường vận động để ngăn ngừa viêm loét đại tràng cũng như ung thư đại tràng.

Theo vietnamnet.vn