Giỏ hàng
Kiến thức y học cập nhật: Tại sao bạn bị ợ hơi?

Tin quốc tếNgày: 19-05-2021 bởi: Tiến sĩ. Bác sĩ Cao cấp Lê Mạnh Cường

Kiến thức y học cập nhật: Tại sao bạn bị ợ hơi?

1. Đồ uống có gas

Soda, bia và tất cả các loại đồ uống có bọt khác được tạo ra từ một loại khí gas gọi là carbon dioxide. Những đồ uống này bổ sung thêm không khí vào dạ dày của bạn, và thường nó sẽ tìm đường thoát ra giống như cách nó đi vào: qua miệng của bạn. Bạn cũng nên tránh những đồ uống quá nóng. Nhấm nháp đồ uống nóng khiến bạn nuốt không khí và cũng có thể dẫn đến ợ hơi.

2. Viêm loét dạ dày 

Đôi khi, ợ hơi có thể là dấu hiệu của bệnh viêm loét dạ dày. Những vết loét hở trong niêm mạc dạ dày là khá phổ biến, có thể bị gây ra bởi nhiễm trùng. Trong trường hợp này, có thể dùng NSAID (thuốc chống viêm không steroid) như ibuprofen. Nếu bạn có viêm loét dạ dày, bạn có thể ợ nhiều hơn và cảm thấy no hoặc chướng bụng sau khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ. Bụng của bạn cũng có thể bị đau sau khi ăn no. Khi được điều trị, các vết loét thường khỏi trong vòng 2 tháng.

3. Cách ăn 

Nếu bạn ăn nhiều thức ăn cùng một lúc hoặc ăn quá nhanh, bạn sẽ nuốt thêm không khí và nó sẽ nằm trong thực quản của bạn, rồi bạn sẽ ợ ngược lên. Vậy nên, hãy ăn chậm lại và nhai kỹ thức ăn. Bên cạnh đó, việc đạt được cân nặng hợp lý cũng có thể tạo ra sự khác biệt bởi lẽ thừa cân sẽ tăng thêm áp lực lên dạ dày của bạn.

4. Không dung nạp Lactose 

Nhiều người bị thiếu 1 loại protein có chức năng phân hủy đường lactose (một loại đường tự nhiên) trong sữa. Nếu bạn là một trong số họ, hệ tiêu hóa của bạn không thể tiêu hóa hoàn toàn các loại thực phẩm có chứa sữa. Kết quả là, đường lactose sẽ lên men trong dạ dày của bạn, và gây ra chứng ợ hơi. Ngoài ra, bạn có thể bị đầy bụng, thậm chí là đau. 

Nếu bạn mắc chứng không dung nạp lactose, việc tránh xa các sản phẩm từ sữa hoặc chọn các loại sữa không chứa lactose sẽ hữu ích. Bạn cũng có thể dùng một số loại thuốc để giúp cơ thể tiêu hóa đường lactose.

5. Trào ngược dạ dày

Đôi khi, axit dạ dày trào ngược lên cổ họng của bạn. Điều này nguy cơ xảy ra cao hơn nếu bạn đang mang thai, bị béo phì hoặc dạ dày của bạn không tiêu hóa thức ăn nhanh như bình thường. Một khi bạn bắt đầu cảm thấy sự trào ngược dâng lên đến cổ họng, bạn thường cố nuốt nước bọt nhiều hơn để loại bỏ nó. Điều này có thể khiến bạn ợ hơi. Một số loại thuốc kháng axit có thể giúp giảm các triệu chứng. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là một lựa chọn.

6.Nhóm thực phẩm giàu tính acid hoặc cay

Hành, cà chua và trái cây họ cam quýt có nhiều axit. Đối với một số người, ăn những thực phẩm này có thể gây ra cảm giác ợ chua. Thức ăn cay cũng có thể gây ợ hơi. Để ngăn chặn chúng, bạn nên cắt giảm những thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày nhé. 

7. Hen suyễn 

Hen suyễn có thể là nguyên nhân gây ra chứng ợ hơi. Lý do? Một khi đường thở của bạn bị viêm, bạn phải làm việc nhiều hơn để có đủ không khí vào phổi. Điều này cũng gây thêm áp lực lên cơ hoành của bạn. Cả hai thay đổi này đều có thể dồn khí vào cổ họng và khiến bạn ợ hơi.

8. Kẹo cao su và kẹo không đường 

Kẹo cứng và kẹo cao su có thể khiến bạn ợ hơi vì bạn sẽ nuốt thêm không khí trong khi thưởng thức chúng. Nếu bạn chọn phiên bản không đường, bạn có thể sẽ ợ hơi nhiều hơn. Đó là bởi vì “đường cồn” chứa trong chúng không thể được xử lý nhanh chóng khi chúng đi vào ruột của bạn, và tạo ra khí, gây ra ợ hơi. 

9. Quá nhiều Fructose 

Loại đường tự nhiên này trong trái cây thường không phải là vấn đề với bạn. Nhưng một số thực phẩm và đồ uống được làm ngọt bằng xi-rô ngô có hàm lượng fructose quá cao. Khi dạ dày của bạn bắt đầu tiêu hóa lượng fructose này, quá trình đó có thể tạo ra nhiều khí. Điều tương tự sẽ gặp phải khi bạn uống nước ép trái cây.

10. Hội chứng chảy dịch mũi sau (PND)

Các tuyến trong mũi và cổ họng của bạn tạo ra khoảng 2 lít chất nhầy mỗi ngày. Đó là một điều tốt - nó giúp làm sạch không khí bạn hít thở và giúp bạn khỏe mạnh. Nhưng nếu có quá nhiều chất nhầy đọng lại ở phía sau cổ họng (PND), bạn sẽ nuốt thường xuyên hơn so với bình thường để loại bỏ nó. Điều này có thể khiến bạn ợ hơi. Uống nhiều nước hơn có thể hữu ích. 

11. Stress

Các vấn đề về đường ruột/tiêu hóa phổ biến hơn ở những người hay lo lắng hoặc trầm cảm. Khi lo lắng, bạn có thể hít phải một lượng lớn không khí so với bình thường. Một số người cố tình làm điều này, nhưng một số người không ý thức được mình đang làm điều đó. Nhưng dù thế nào, dư thừa  không khí sẽ dẫn đến ợ hơi. Nếu bạn cảm thấy chán nản hoặc hoảng sợ, hãy nói với bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn của bạn. Khi bạn học được những cách tốt hơn để kiểm soát căng thẳng của mình, bạn có thể ngừng ợ hơi.

12. Thoát vị Hiatal 

Nếu phần trên của dạ dày đẩy qua cơ hoành và lên đến ngực, bạn bị gọi là “thoát vị Hiatal”. Điều này có thể khiến axit trong dạ dày trào ngược lên cổ họng, khiến bạn ợ chua. Một số người cũng cảm thấy khó nuốt hơn. Thay đổi thói quen hàng ngày của bạn có thể sẽ giúp ích. Ví dụ, bạn có thể nhẹ nhõm hơn nếu bạn đạt được cân nặng hợp lý, ngừng hút thuốc và ngủ với gối kê cao phù hợp.

13. Bội nhiễm vi khuẩn đường ruột

Acid dạ dày giúp tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn nào bạn đưa vào. Nếu dạ dày của bạn không tạo đủ lượng acid cần thiết, bạn sẽ có quá nhiều vi khuẩn trong ruột non hơn mong muốn. Hội chứng loạn khuẩn ở ruột non (SIBO) làm cơ thể hấp thụ thức ăn khó khăn hơn. Khí thừa tích tụ khiến bạn bị ợ hơi. Xì hơi và hôi miệng là những dấu hiệu khác của SIBO. Kiểm tra hơi thở có thể xác nhận bạn mắc bệnh này. Thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác sẽ giúp đường ruột của bạn trở lại bình thường.

14. Nhiễm khuẩn

 H. pylori là một loại vi khuẩn, gây nhiễm khuẩn niêm mạc dạ dày. Điều này có thể dẫn đến đau nhức và sưng tấy. Nó cũng kích hoạt dạ dày của bạn tạo ra nhiều axit hơn. Kết quả là bạn có thể bị ợ hơi nhiều hơn bình thường. Bạn cũng có thể nhận thấy cơn đau âm ỉ không biến mất hoàn toàn, thậm chí kéo dài hàng tuần. Nếu các xét nghiệm cho thấy bạn mắc phải loại vi khuẩn này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. 

15. Các vấn đề ở tuyến tụy 

Tuyến tụy là một tuyến dài bên cạnh dạ dày. Nó tạo ra dịch đường ruột giúp bạn tiêu hóa thức ăn. Khi tuyến tụy bị viêm, bạn có thể có các biểu hiện như ợ hơi, nôn mửa, đầy hơi, nấc cụt hoặc sốt. Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm tụy, hãy đến gặp bác sĩ.